Công ty CP Những Kiến trúc sư H&P (HPA) được thành lập tại Việt Nam ngày 11/6/2009.
Mục tiêu của HPA là cung cấp những giải pháp chuyên nghiệp cho khách hàng. Điều này được khẳng định qua nhiều hạng mục đầu tư: Công trình văn hóa, trụ sở, văn phòng, chung cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, nhà ở tư nhân, quy hoạch và thiết kế đô thị cũng như công trình công nghiệp, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
HPA cam kết đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của từng khách hàng cụ thể bằng những giải pháp toàn diện, thoả mãn các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng dự án cũng như hiệu quả kinh tế.
Quan điểm sáng tác
Theo HPA, Kiến trúc bao gồm ba yếu tố không thể tách riêng: thế ứng xử, Ngôn ngữ và Tâm thức.
Thứ nhất - Ứng xử: là những hành vi làm cho đời sống cá nhân và cộng đồng thích ứng. Không chỉ để bảo tồn mà còn để phát triển.Kiến trúc “sống” trong mối quan hệ chặt chẽ giữa Con người – Môi trường tự nhiên – Môi trường xã hội. Sự thích ứng với từng khu vực khí hậu đặc biệt trong môi trường tự nhiên, có thể tận dụng – ứng phó với những gì có lợi – bất lợi. Cùng với, tính tổng hợp – dung hợp – tích hợp những sự chuyển biến mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống trong môi trường xã hội. Luôn là những yếu tố sống động tạo nguồn cảm hứng, tạo ra những chất liệu dồi dào cho sáng tác kiến trúc. Thế ứng xử đóng vai trò “nội dung tinh thần”.
Thứ hai - Ngôn ngữ: Thông thường Kiến trúc không những phản ánh trung thực không gian tâm lý của xã hội – ngoài ra, đôi khi, còn phải đi trước hiện thực một bước để dự báo kịp thời những biến chuyển của xã hội trong tương lai.Ngôn ngữ kiến trúc - cũng như các ngôn ngữ nói chung - bao gồm Vốn từ vựng và Ngữ pháp. Vốn từ vựng có được từ ứng xử, có nguồn gốc xa xưa với những khoảng đóng mở, quan hệ cộng sinh của công trình với thiên nhiên - trên quan điểm người dân địa phương làm gốc. Đúc kết lại thành một bảng chữ cái có giá trị, được phối kết hợp với nhau bằng một hệ Ngữ pháp riêng, khiến những không gian cất tiếng nói, đầy rung cảm, giàu hình ảnh, đậm tính nhân văn, thiết tha với cuộc sống con người. Hệ Ngữ pháp sẽ ngày càng giàu có và phong phú do có cấu trúc “mở” linh hoạt, có thể bản địa hoá với những từ “ngoại nhập”, nảy sinh những từ mới trong quá trình biến đổi xã hội. Khiến Ngôn ngữ lan rộng phạm vi ảnh hưởng về cả nội dung và hình thức. Ngôn ngữ, tự có cái trách nhiệm diễn tả tình cảm, tư tưởng của dân chúng; tự hoá thân thành “vỏ vật chất” của “nội dung tinh thần”.
Thứ ba - Tâm thức: là cách thức tư duy - chi phối, quyết định Thế ứng xử và Ngôn ngữ, đồng thời làm cho ứng xử và ngôn ngữ thấm đượm phong cách riêng ấy. Tâm thức hoà quyện với Ứng xử và Ngôn ngữ, bổ trợ, vượt gộp thành một thể thống nhất hữu cơ trong hiện thực đời sống xã hội.